-
-
-
Tổng cộng:
-
13+ dấu hiệu tới kỳ kinh nguyệt và cách giảm bớt triệu chứng
Những dấu hiệu tới kỳ kinh nguyệt thường xuất hiện trước khi chị em đến kỳ kinh khoảng 3 - 7 ngày. Những dấu hiệu này sẽ có mức độ, biểu hiện khác nhau ở từng chị em. Tuy nhiên, dù là mức độ nào thì đây sẽ là những “chuông báo thức" hữu hiệu giúp chị em có sự chuẩn bị tốt nhất. Cùng tìm hiểu chi tiết hơn ngay sau đây!
Đau bụng kinh - dấu hiệu tới kỳ kinh nguyệt phổ biến nhất
Đau bụng mỗi khi tới tháng khiến chúng ta khó chịu
Đau bụng kinh là dấu hiệu báo kỳ kinh nguyệt phổ biến nhất mà chị em thường gặp. Những cơn đau thường đến trước chu kỳ khoảng 3 - 5 ngày, cơn đau âm ỉ ở vùng bụng dưới và mức độ sẽ tăng dần cho đến kỳ kinh.
Nguyên nhân gây đau bụng kinh là do nồng độ Prostagladin trong máu tăng cao, làm cho vùng tử cung bị co thắt chặt, đồng thời các mao mạch bị thiếu khí Oxy, dẫn tới phần nội mạc tử ở tử cung bị bong ra.
Cơ thể mỗi người là khác nhau, nên tuỳ vào cơ địa mà chị em sẽ có mức độ đau khác nhau. Một số chị em còn bị đau bụng kinh kèm thêm triệu chứng khác: buồn nôn, nôn, chóng mặt…
Đau bụng kinh là dấu hiệu hết sức bình thường của chị em khi tới kỳ kinh nguyệt, do đó khi đau bụng chị em có thể lấy một chai nước nóng hoặc túi chườm nóng để lên bụng, như vậy cơn đau sẽ giảm dần.
Đau lưng báo hiệu kỳ kinh nguyệt
Nguyên nhân chính dẫn tới đau lưng khi tới kỳ kinh nguyệt là sự thay đổi của hormone Prostaglandin hay sự dư thừa hormone Prostaglandin, gây hiện tượng co thắt và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng lưng dưới hông. Triệu chứng này khiến chị em thấy khó chịu, ảnh hưởng tới các hoạt động và công việc thường ngày.
Phụ thuộc vào cơ địa từng người mà cơn đau sẽ có trước 3 - 5 ngày và mức độ đau nặng hay đau nhẹ cũng sẽ khác nhau. Để cải thiện đau lưng này, chị em có thể đấm hoặc xoa nhẹ vùng lưng, tránh tham gia các hoạt động mạnh, nên dành thời gian để cơ thể được thư giãn.
Đau nhức, căng tức vòng 1
Vòng 1 đau nhức, căng tức hơn bình thường
Vòng 1 của chị em khi tới chu kỳ kinh nguyệt thường có cảm giác căng tức kèm theo đau nhức. Nguyên nhân do nồng độ hormone nữ trong cơ thể tăng lên, làm cho các mô ở phần ngực cứng hơn, đồng thời ngực cũng nở và căng hơn thường ngày.
Tình trạng này thường xuất hiện trước khi chu kỳ kinh nguyệt diễn ra. Do đó, để cải thiện tình trạng khó chịu trong những ngày này, khi tắm chị em có thể massage nhẹ để cải thiện tình trạng căng tức và sắm thêm vài chiếc áo ngực có loại vải co giãn, thoải mái.
Da nhờn, nổi mụn
Da tiết nhiều dầu nhờn, dễ nổi mụn
Trước khi bà dì tới khoảng 2 tuần, nồng độ hormone Estrogen và Progesterol tăng, khiến nội tiết tố thay đổi làm tuyến bã nhờn ở vùng da mặt hoạt động mạnh, lượng dầu nhờn tiết ra nhiều hơn.
Bên cạnh đó, việc thay đổi nội tiết tố trong cơ thể sẽ gây ra những tác động tới quá trình trao đổi chất, từ đó các dưỡng chất cần thiết không được cấp đủ tới vùng da mặt và tạo môi trường cho các nốt mụn có cơ hội hình thành.
Tình trạng này sẽ giảm dần sau 5 - 7 ngày khi hết kỳ kinh nguyệt. Đây là mụn do tới tháng nên để tránh các nốt mụn bị viêm, chị em nên tẩy trang cẩn thận, hạn chế sờ tay lên mặt để nặn khi mụn chưa chín.
Các vấn đề về đường ruột: đầy hơi, táo bón, tiêu chảy…
Sự thay đổi nội tiết tố đã khiến cho cơ thể chị em trong vài ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt có thể sẽ gặp một số vấn đề về đường ruột như: đầy hơi, táo bón, tiêu chảy… Khi chu kỳ tới, cơ thể chúng ta giải phóng ra một loại hoá chất có tên gọi là Prostaglandin, hàm lượng Prostaglandin giải phóng ra quá nhiều, tạo nên các cơn co thắt và các triệu chứng về đường ruột.
Tình trạng này thường sẽ xuất hiện trước khi tới chu kỳ kinh nguyệt. Để cải thiện tình trạng này, chị em nên uống nhiều nước hay các loại trà thảo dược như: trà gừng, trà xanh, trà hoa cúc; ăn nhiều hoa quả và cắt giảm lượng muối, tinh bột trong khẩu phần ăn.
Mệt mỏi
Khi tới tháng chị em sẽ cảm thấy mệt mỏi, ảnh hưởng tới các hoạt động và công việc
Chị em khi tới tháng thường cảm thấy cơ thể mệt mỏi hơn bình thường là do cơ thể bị thay đổi nổi tiết tố, đồng thời bị mất một lượng máu tương đối nhiều khiến cơ thể bị mất cân bằng.
Khi cơ thể bị mất cân bằng, chất dẫn truyền thần kinh Serotonin cũng bị ảnh hưởng, gây nên cảm giác mệt mỏi. Serotonin có khả năng giúp điều chỉnh tâm trạng, chu kỳ ngủ của chúng ta, nên trong suốt quá trình kinh nguyệt diễn ra thì Serotonin cũng sẽ thay đổi theo.
Hiện tượng này sẽ xuất hiện trước và trong những ngày đầu chu diễn ra chu kỳ kinh nguyệt của chị em. Để cải thiện tình trạng này, chị em nên hạn chế vận động mạnh, cố gắng tăng thời gian nghỉ ngơi và giữ cơ thể luôn được thư giãn.
Cảm thấy sưng, phù người hơn
Khi tới chu kỳ, nội tiết tố thay đổi và nồng độ Estrogen tăng lên, khiến cho các mô trong cơ thể tích tụ nhiều chất lỏng, gây nên tình trạng giữ nước ở một số bộ phận trên cơ thể chủ yếu như: bàn chân, dạ dày và vùng ngực.
Chính vì vậy, chị em sẽ cảm thấy một số vị trí trên cơ thể giống như bị sưng, phù người hơn. Trong thời gian này chị em nên xoa bóp nhẹ ở những vị trí bị phù và massage nhẹ nhàng.
Đau đầu
Nồng độ Estrogen và Progesterone thay đổi gây nên tình trạng đau đầu khi chị em tới tháng
Đau đầu khi tới tháng là tình trạng Estrogen và Progesterone có sự thay đổi về nồng độ. Estrogen được biết là một loại hormone sinh dục nữ, để kích thích trứng rụng thì nồng độ Estrogen sẽ tăng lên trong khoảng giữa của chu kỳ kinh nguyệt. Progesterone là loại hormone có có vai trò như keo dán giúp trứng có thể bám được vào tử cung.
Nồng độ hai hormone này sẽ giảm ngay sau ngày rụng trứng và giảm xuống mức thấp nhất vào thời điểm trước khi tới kỳ kinh nguyệt, do vậy chị em dễ gặp phải những cơn đau đầu.
Để cải thiện tình trạng đau đầu, chị em có thể vận động với những bài tập nhẹ nhàng, nghỉ ngơi đầy đủ, bổ sung vitamin, đau quá có thể sử dụng thuốc đau đầu theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Tâm trạng thất thường, dễ cáu gắt
Sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể có thể gây ảnh hưởng tới tâm trạng của một người, khiến họ trở nên khó tính hơn, dễ cáu kỉnh, lo lắng, nhạy cảm nhưng một số ít lại cảm thấy khoẻ, tinh thần có chút phấn chấn hơn…
Phụ thuộc vào cơ địa mỗi người mà tình trạng này xuất hiện trước hoặc trong suốt chu kỳ kinh nguyệt diễn ra. Để cải thiện tình trạng này, chị em nên cố gắng tránh những chuyện không vui, cố gắng để tâm lý luôn được thoải mái, đầu óc thư giãn.
Khó ngủ
Theo nghiên cứu của Hiệp hội Giấc ngủ Quốc tế thì có tới 23% phụ nữ có triệu chứng giấc ngủ bị rối loạn vào thời điểm trước ngày hành kinh và có khoảng 30% phụ nữ có triệu chứng trong ngày đèn đỏ.
Nguyên nhân gây nên hiện tượng này là do cơ thể bị thiếu Tryptophan - một loại amino acid thiết yếu. Để cải thiện tình trạng này, chị em nên bổ sung vào cơ thể những thực phẩm có chứa nhiều Tryptophan: thịt bò, thịt gà, chuối, trứng, cá, lúa mạch, sữa, các loại hạt…
Ngoài ra, chị em nên nằm ngủ ở nhiều tư thế khác nhau, hoặc sử dụng cafein với liều lượng thấp nhưng tuyệt đối không được lạm dụng vì nó có thể gây ra những tác dụng phụ.
Ra khí hư
Khi tới chu kỳ kinh nguyệt, lượng khí hư sẽ ra nhiều hơn
Trước khi tới chu kỳ vài ngày, lượng khí hư tiết ra tăng do sự thay đổi của nội tiết tố, nồng độ hormone Progesterone khi này tăng mạnh gây kích thích ở vùng tử cung, điều này đã làm tăng lượng dịch nhầy tiết ra nhiều hơn.
Các chị em có thể cảm nhận được sự ẩm ướt hơn ở vùng kín so với bình thường. Sát ngày kinh nguyệt thì chị em có thể sẽ thấy một lượng máu nhỏ bị lẫn trong dịch. Khí hư ra nhiều sẽ làm ướt quần nhỏ, gây nhiều bất tiện do đó để khắc phục tình trạng này chị em nên sử dụng băng vệ sinh hàng ngày.
Thèm ăn
Chị em sẽ có cảm giác thèm ăn từ 7 - 10 ngày trước khi tới kỳ kinh nguyệt và sẽ biến mất khi bắt đầu bước vào trong chu kỳ kinh nguyệt hay vài ngày sau đó. Hiện tượng thèm ăn xuất hiện là do các hormone thay đổi và có thể bị mất nhiều năng lượng nên cần được bổ sung chất, nhưng điều quan trọng là phải lắng nghe cơ thể mình.
Thời gian này, chị em có thể nuông chiều bản thân hơn một chút để cơ thể được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.
Thân nhiệt tăng nhẹ
Sự thay đổi nội tiết tố khi hành kinh khiến nhiệt độ cơ thể tăng nhẹ
Dưới sự thay đổi nội tiết tố ở các giai đoạn khác nhau của chu kỳ khiến cho thân nhiệt cơ thể tăng nhẹ so với bình thường. Trên thực tế, ngay sau quá trình rụng trứng thì thân nhiệt sẽ tăng và tình trạng này kéo dài trong vài ngày sau đó. Để cải thiện tình trạng này thì chị em nên nằm nghỉ ngơi, uống đủ nước và mặc đồ thoáng mát cho dễ chịu.
Các dấu hiệu và triệu chứng bất thường cần gặp bác sĩ
Ngoài những dấu hiệu trên thì chị em khi tới chu kỳ kinh nguyệt nếu gặp những triệu chứng nặng, bất thường hơn thì cần tới gặp các y bác sĩ ngay để được chữa trị kịp thời. Một số triệu chứng như:
-
Bị rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD) nặng: Là loại rối loạn về cảm xúc hết sức nghiêm trọng, có liên đới đến hội chứng tiền kinh nguyệt, nguyên nhân chính là do biến động hormone trong cơ thể. Một số biểu hiện của tình trạng này, gồm: lo lắng, dễ nổi nóng, stress, trầm cảm. Để cải thiện tình trạng này, có thể sử dụng một số phương pháp như: điều trị nội khoa, trị liệu tâm lý, tập những bài tập nhẹ nhàng giúp cơ thể thoải mái…
-
Bụng dưới bị đau dữ dội, quặn thắt.
-
Đầu đau dữ dội, trong suốt thời gian hành kinh.
-
Khó thở
-
Nôn nhiều lần trong ngày
Trên đây là những dấu hiệu tới kỳ kinh nguyệt và cách làm giảm triệu chứng, giúp chị em hiểu hơn về tình trạng sức khoẻ của cơ thể trong những ngày đèn đỏ. Từ đó có cách điều chỉnh thời gian nghỉ ngơi, chế độ sinh hoạt và chế độ ăn sao cho hợp lý.